Hiện nay, với tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế thì hoạt động nhượng quyền thương hiệu là một trong những phương thức kinh doanh khá phổ biến và phát triển tại thị trường Việt Nam. Nhận thấy được nhu cầu cấp thiết đó của các doanh nghiệp, LUẬT NGUYÊN DƯƠNG xin hướng dẫn chi tiết thủ tục đăng ký nhượng quyền thương hiệu qua bài viết sau đây.
I. Các trường hợp yêu cầu đăng ký nhượng quyền thương hiệu
Theo quy định pháp luật hiện nay, không phải mọi hoạt động nhượng quyền thương hiệu đều phải thực hiện thủ tục đăng ký nhượng quyền thương hiệu. Nghị định 35/2006/NĐ-CP và Nghị định 120/2011/NĐ-CP đã quy định chi tiết về các trường hợp bắt buộc và không bắt buộc thực hiện thủ tục đăng ký nhượng quyền thương hiệu. Vậy, khi tiến hành hoạt động thương hiệu thì những trường hợp nào bắt buộc phải thực hiện hoạt động đăng ký nhượng quyền thương hiệu?
Theo quy định tại Điều 17, Điều 18 Nghị định 35/2006/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 2,3 Điều 3 Nghị định 120/2011/NĐ-CP), chỉ có 01 trường hợp duy nhất phải thực hiện đăng ký hoạt động nhượng quyền thương hiệu. Đó là:
- Nhượng quyền thương hiệu từ nước ngoài vào Việt Nam, bao gồm cả hoạt động nhượng quyền thương hiệu từ Khu chế xuất, Khu phi thuế quan hoặc các khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật Việt Nam vào lãnh thổ Việt Nam.
Bên cạnh đó, pháp luật cũng có quy định cụ thể về các trường hợp không bắt buộc phải thực hiện đăng ký nhượng quyền thương hiệu:
- Nhượng quyền trong nước
- Nhượng quyền thương hiệu từ Việt Nam ra nước ngoài
Tuy nhiên, đối với các trường hợp không phải đăng ký nhượng quyền được liệt kê ở trên thì phải thực hiện chế độ báo cáo Sở Công Thương.
II. Điều kiện đăng ký nhượng quyền thương hiệu
Để hoạt động nhượng quyền thương hiệu thành công thì cần phải xem xét đến nhiều yếu tố khác nhau, nhưng xét riêng về mặt pháp lý thì doanh nghiệp cần phải đáp ứng đủ 03 điều kiện sau:
– Có đăng ký kinh doanh;
– Đảm bảo đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm;
– Đã đăng ký thương hiệu và được cấp văn bằng bảo hộ.
Theo đó, để việc nhượng quyền không gặp khó khăn thì cần phải đáp ứng đủ 03 yếu tố nêu trên – nếu thiếu dù 01 trong những yếu tố này thì rủi ro pháp lý gặp phải là rất lớn. Cụ thể:
– Không đăng ký kinh doanh hoặc đăng ký kinh doanh loại hình không phù hợp. Khi một cửa hàng kinh doanh thành công và có lãi nhưng lại đang vận hành dưới hình thức là hộ kinh doanh hay doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty hợp danh thì việc mở rộng địa điểm, góp vốn sẽ bị hạn chế.
– Không đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ không thể thuyết phục đối tác rằng quy trình sản xuất đảm bảo và được cơ quan Nhà nước (CQNN) chứng nhận. Bên cạnh đó, việc đảm bảo điều kiện này không chỉ là bắt buộc mà còn có tác động không nhỏ tới uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp.
– Đăng ký thương hiệu là vấn đề quan trọng nhất khi nhượng quyền. Có rất nhiều doanh nghiệp, đơn vị nhượng quyền gặp lỗi như:
+ Đăng ký thương hiệu không kịp thời: Việc đăng ký thương hiệu không kịp thời có thể dẫn đến hệ quả là thương hiệu bị đăng ký trước hoặc mới dừng lại ở việc nộp tờ khai cấp văn bằng bảo hộ. Như vậy về bản chất khi chưa được cấp văn bằng (sau 18 – 24 tháng nộp hồ sơ) thì cá nhận chưa được Nhà nước công nhận quyền sở hữu với nhãn hiệu này. Nếu chưa có quyền sở hữu thì không thể định đoạt hay sử dụng.
+ Đăng ký thương hiệu chậm dẫn đến bị mất thương hiệu. Việt Nam theo hệ thống “First to file” (nộp trước được ưu tiên). Vì vậy thì việc nộp hồ sơ đăng ký sau sẽ dẫn đến hệ quả doanh nghiệp không sở hữu nhãn hiệu dự định nhượng quyền mà buộc phải mua lại hoặc xây dựng một nhãn mới.
III. Quy định về thủ tục đăng ký nhượng quyền thương hiệu
Trước khi bắt đầu tiến hành hoạt động nhượng quyền thương hiệu, doanh nghiệp dự kiến nhượng quyền thương hiệu bao gồm nhượng quyền ban đầu và nhượng quyền thứ cấp phải thực hiện thủ tục đăng ký hoạt động nhượng quyền thương hiệu với CQNN có thẩm quyền theo quy định tại Điều 20 Nghị định 15/VBHN-BCT ngày 25 tháng 04 năm 2014 và theo hướng dẫn tại Thông tư 12/VBHN-BCT năm 2016
Hồ sơ đăng ký hoạt động nhượng quyền thương hiệu bao gồm:
- Đơn đăng ký hoạt động nhượng quyền thương;
- Bản giới thiệu về nhượng quyền thương hiệu;
- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc hoặc Giấy chứng nhận đầu tư trong trường hợp nhượng quyền thương hiệu từ Việt Nam ra nước ngoài; bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương của thương nhân nước ngoài được cơ quan có thẩm quyền nơi thương nhân nước ngoài thành lập xác nhận trong trường hợp nhượng quyền thương hiệu từ nước ngoài vào Việt Nam;
Bản sao từ sổ gốc hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao xuất trình kèm bản chính để đối chiếu.
- Văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp tại Việt Nam hoặc tại nước ngoài trong trường hợp có chuyển giao quyền sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp đã được cấp văn bằng bảo hộ;
Bản sao từ sổ gốc hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao xuất trình kèm bản chính để đối chiếu;
- Giấy tờ chứng minh sự chấp thuận về việc cho phép nhượng quyền lại của bên nhượng quyền ban đầu trong trường hợp thương nhân đăng ký hoạt động nhượng quyền là bên nhượng quyền thứ cấp.
Trình tự đăng ký hoạt động nhượng quyền thương hiệu:
- Đối với hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ, trong thời gian tối đa 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký phải thông báo bằng văn bản yêu cầu thương nhân bổ sung và hoàn chỉnh hồ sơ;
- Đối với hồ sơ đầy đủ, hợp lệ: trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan đăng ký có trách nhiệm đăng ký hoạt động nhượng quyền thương hiệu của thương nhân vào Sổ đăng ký hoạt động nhượng quyền thương hiệu và thông báo cho thương nhân biết;
Trường hợp từ chối đăng ký cơ quan đăng ký phải thông báo bằng văn bản trong đó nêu rõ lý do từ chối.
Trên đây là một số lưu ý quan trọng liên quan đến việc thực hiện đăng ký nhượng quyền thương hiệu theo quy định của pháp luật hiện hành. LUẬT NGUYÊN DƯƠNG với đội ngũ luật sư và cộng sự nhiều kinh nghiệm sẽ giúp Quý doanh nghiệp thực hiện các thủ tục đăng ký đầu tư trong thời gian ngắn nhất đồng thời luôn hỗ trợ giải quyết tận gốc các vấn đề phát sinh.