MỘT SỐ VẤN ĐỀ PHÁP LÝ LIÊN QUAN ĐẾN KINH DOANH ONLINE

Dưới sự tác động của Covid-19, hành vi của người tiêu dùng đã thay đổi thói quen mua sắm, chuyển từ mua sắm truyền thống sang mua sắm trực tuyến. Tại Việt Nam, mua sắm trực tuyến trên các trang thương mại điện tử ngày càng trở nên phổ biến và nhận được nhiều sự quan tâm của người dân. Vì thế, ngày càng có nhiều tổ chức, cá nhân đã chuyển sang hình thức kinh doanh trực tuyến. Họ bày bán, quảng bá các sản phẩm của mình trên các sàn thương mại điện tử. Bài viết sẽ cung cấp một số vấn đề pháp lý liên quan đến hoạt động thương mại điện tử.

I. Kinh doanh online 2023 là gì? 

Việc tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình của hoạt động thương mại bằng phương tiện điện tử có kết nối với mạng Internet, mạng viễn thông di động hoặc các mạng mở khác chính là kinh doanh online 2023 hiện nay hay còn gọi là hoạt động thương mại điện tử.

Theo quy định tại Điều 25 Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử, các hình thức tổ chức hoạt động thương mại điện tử bao gồm:

  1. Website thương mại điện tử bán hàng là website thương mại điện tử do các thương nhân, tổ chức, cá nhân tự thiết lập để phục vụ hoạt động xúc tiến thương mại, bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ của mình.
  2. Website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử là website thương mại điện tử do thương nhân, tổ chức thiết lập để cung cấp môi trường cho các thương nhân, tổ chức, cá nhân khác tiến hành hoạt động thương mại. Website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử bao gồm các loại sau:
  • Sàn giao dịch thương mại điện tử
  • Website đấu giá trực tuyến
  • Website khuyến mại trực tuyến
  • Các loại website khác do Bộ Công Thương quy định

Chủ thể tham gia vào hoạt động thương mại điện tử được quy định tại Điều 24 Nghị định 52/2013/NĐ-CP bao gồm:

  1.  Các thương nhân, tổ chức, cá nhân tự thiết lập website thương mại điện tử để phục vụ hoạt động xúc tiến thương mại, bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ của mình (người sở hữu website thương mại điện tử bán hàng).
  2. Các thương nhân, tổ chức thiết lập website thương mại điện tử để cung cấp môi trường cho thương nhân, tổ chức, cá nhân khác tiến hành hoạt động xúc tiến thương mại, bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ (thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử).
  3. Các thương nhân, tổ chức, cá nhân sử dụng website của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử để phục vụ hoạt động xúc tiến thương mại, bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ của mình (người bán).
  4. Các thương nhân, tổ chức, cá nhân mua hàng hóa hoặc dịch vụ trên website thương mại điện tử bán hàng và website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử (khách hàng).
  5. Các thương nhân, tổ chức cung cấp hạ tầng kỹ thuật cho người sở hữu website thương mại điện tử bán hàng và cho thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử (thương nhân, tổ chức cung cấp hạ tầng).
  6. Các thương nhân, tổ chức, cá nhân sử dụng thiết bị điện tử có nối mạng khác để tiến hành hoạt động thương mại.

Tại Việt Nam hiện nay, phần lớn các hoạt động mua, bán hàng hóa trực tuyến đều được thực hiện thông qua các sàn giao dịch thương mại điện tử bởi các sàn này cho phép các thương nhân, tổ chức, cá nhân không phải chủ sở hữu website có thể tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên đó.

II. Điều kiện kinh doanh online 2023 hiện nay

Tùy vào hình thức tổ chức hoạt động kinh doanh online 2023 hiện nay hay còn gọi là hoạt động thương mại điện tử mà các điều kiện đặt ra sẽ khác nhau

2.1 Điều kiện đối với thiết lập website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử

Kinh doanh online 2023

Cơ sở pháp lý:

  • Điều 54 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP
  • Điều 10, 11 Nghị định số 08/2018/NĐ-CP

Thương nhân, tổ chức được thiết lập website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử quy định tại Mục 2, 3 và 4 Chương III Nghị định số 52/2013/NĐ-CP khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:

  • Là thương nhân, tổ chức được thành lập theo quy định pháp luật.
  • Có đề án cung cấp dịch vụ trong đó nêu rõ các nội dung sau:
  1. Mô hình tổ chức hoạt động, bao gồm hoạt động cung cấp dịch vụ, hoạt động xúc tiến, tiếp thị dịch vụ cả trong và ngoài môi trường trực tuyến.
  2. Phân định quyền và trách nhiệm giữa thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử với các bên sử dụng dịch vụ.
  • Đã đăng ký thiết lập website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử và được Bộ Công Thương xác nhận đăng ký theo quy định tại Điều 55 và 58 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP.

Việc đăng ký với Bộ Công Thương tại khoản 4 nêu trên thực hiện theo hình thức khai báo trực tuyến trên Cổng thông tin quản lý thương mại điện tử tại địa chỉ www.online.gov.vn

2.2 Điều kiện đối với thiết lập website thương mại điện tử bán hàng

Cơ sở pháp lý:

  • Điều 52 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP
  • Điều 10, 11 Nghị định số 08/2018/NĐ-CP
  1. Là thương nhân, tổ chức hoặc cá nhân đã được cấp mã số thuế cá nhân.
  2. Đã thông báo với Bộ Công Thương về việc thiết lập website thương mại điện tử bán hàng theo quy định tại Điều 53 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP.

Việc thông báo với Bộ Công Thương tại khoản 3 nêu trên được thực hiện trực tuyến trên Cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử tại địa chỉ www.online.gov.vn

Kinh doanh online

III. Các thắc mắc thường gặp về kinh doanh online 2021

Hỏi: Kinh doanh online 2023 có cần vốn không?

Đáp: Bất cứ hoạt động kinh doanh nào cũng cần phải đầu tư vốn để thực hiện hoạt động kinh doanh

Hỏi: Kinh doanh online 2023 có được phép nhượng quyền không?

Đáp: Kinh doanh online 2023 hiện nay hay còn gọi là hoạt động thương mại điện tử chỉ là một hình thức để thực hiện việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, xúc tiến thương mại dựa trên nền tảng internet, không ảnh hưởng đến việc nhượng quyền thương mại.

Theo quy định tại Điều 284 Luật Thương mại 2005: “Nhượng quyền thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ theo các điều kiện sau đây:

  • Việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ được tiến hành theo cách thức tổ chức kinh doanh do bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền
  • Bên nhượng quyền có quyền kiểm soát và trợ giúp cho bên nhận quyền trong việc điều hành công việc kinh doanh.”

Hỏi: Kinh doanh online 2023 có cần giấy phép không?

Đáp:  Theo quy định tại Luật Đầu tư 2020 thì kinh doanh thương mại điện tử (hay gọi chung hoạt động thương mại điện tử) là một trong số các ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Do đó, nếu cá nhân, tổ chức, thương nhân muốn triển khai các hoạt động kinh doanh thương mại điện tử như thiết lập website thương mại điện tử bán hàng, sàn giao dịch thương mại điện tử hay website đấu giá trực tuyến, khuyến mại trực tuyến… thì trước hết cần phải đáp ứng những yêu cầu nhất định và phải được cơ quan quản lý nhà nước về công thương xác nhận đủ điều kiện, cấp giấy phép sàn giao dịch thương mại điện tử mới có thể triển khai kinh doanh thương mại điện tử một cách hợp pháp.

Còn đối với những cá nhân mang hàng hóa của mình bày bán trên các trang thương mại điện tử thì không cần phải xin giấy phép.

Hỏi: Kinh doanh online có phải đăng ký kinh doanh không?

Đáp: Tùy vào hình thức tổ chức hoạt động kinh doanh thương mại điện tử

  • Đối với thiết lập website thương mại điện tử bán hàng, chủ thể thực hiện là thương nhân, tổ chức hoặc cá nhân đã được cấp mã số thuế cá nhân (Điều 52 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP sửa đổi tại Điều 10 Nghị định số 08/2018/NĐ-CP). Nếu chủ thể thiết lập website thương mại điện tử bán hàng là thương nhân thì phải đăng ký kinh doanh, nếu là cá nhân thì phải đăng ký mã số thuế cá nhân.
  • Đối với thiết lập website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử

Theo Điều 13 Thông tư 47/2014/TT-BCT, được sửa đổi tại khoản 2 Điều 1 21/2018/TT-BCT: “Đối tượng đăng ký là thương nhân hoặc tổ chức có website thương mại điện tử trên đó cung cấp ít nhất một trong các dịch vụ sau:

  1. Dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử.
  2. Dịch vụ khuyến mại trực tuyến.
  3. Dịch vụ đấu giá trực tuyến.”

Theo khoản 1 Điều 6 Luật Thương mại 2005, Thương nhân bao gồm tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh

Từ các quy định trên thì các thương nhân và tổ chức phải tiến hành đăng ký kinh doanh và đăng ký dưới hình thức sàn giao dịch điện tử với Bộ Công thương.

Bên cạnh đó, Theo Điều 03 Nghị định số 39/2007/NĐ-CP những trường hợp cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên, công việc không có địa điểm cố định,… thì không phải đăng ký kinh doanh.

Như vậy, theo quy định pháp luật trên, bản thân người bán hàng online đơn thuần không phải đăng ký giấy phép kinh doanh. Mà trách nhiệm đăng ký thuộc về doanh nghiệp vận hành website/ các sàn thương mại điện tử.

Hỏi: Kinh doanh online có phải đóng thuế không?

Đáp:
Theo khoản 1 Điều 1 Thông tư 92/2015/TT-BTC quy định, cá nhân kinh doanh phải nộp thuế là cá nhân cư trú bao gồm cá nhân, nhóm cá nhân và hộ gia đình có hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc tất cả các lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Và tại khoản 2 Điều 1 Thông tư 92/2015/TT-BTC cũng quy định: “Người nộp thuế nêu tại khoản 1 Điều này không bao gồm cá nhân kinh doanh có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống”.

Như vậy, cá nhân bán hàng online có doanh thu trong năm dương lịch trên 100 triệu đồng phải nộp thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng.

Bên cạnh đó, người kinh doanh online còn phải chịu lệ phí môn bài. Nghị định 139/2016/NĐ- CP quy định, cá nhân, hộ kinh doanh có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên sẽ áp dụng mức lệ phí môn bài từ 300.000 đồng đến một triệu đồng. Cụ thể:

  • Doanh thu trên 100 đến 300 triệu đồng, mức phí 300.000 đồng.
  • Doanh thu trên 300 đến 500 triệu đồng, mức phí 500.000 đồng.
  • Doanh thu trên 500 triệu đồng, mức phí 1.000.000 đồng.

Lệ phí môn bài không áp dụng với người bán hàng không thường xuyên, địa điểm không cố định hoặc có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm, theo khoản 2 điều 1 Thông tư 92/2015/TT-BTC.

Trên đây là thông tin tổng quan Hoạt động kinh doanh online 2023. Công ty Luật TNHH Ngọc Phú chuyên cung cấp các dịch vụ pháp lý toàn diện một cách chuyên nghiệp liên quan đến Đầu tư trong và ngoài nước; Doanh nghiệp; Bất động sản; Sở hữu trí tuệ; Lao động; Tư vấn soạn thảo, đàm phán thương lượng và hỗ trợ ký kết các Hợp đồng thương mại, Hợp đồng dịch vụ trong và nước ngoài; Tư vấn và hỗ trợ tiến hành thủ tục xin cấp các loại giấy phép con,.. Với đội ngũ Luật sư và chuyên viên được đào tạo chuyên nghiệp, chúng tôi có đủ năng lực để tư vấn và hỗ trợ khách hàng thực hiện những thủ tục này.

Trong trường hợp Quý Khách hàng cần hiểu rõ hơn những thủ tục này, xin hãy liên hệ chúng tôi để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo
0966997981