NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG VAY TÀI SẢN

Tranh chấp hợp đồng vay tài sản là một dạng tranh chấp rất phổ biến trong xã hội hiện nay. Tài sản cho vay ở các tranh chấp này thường là tiền hoặc vật. Bài viết này sẽ giúp quý khách hiểu rõ hơn về các quy định pháp luật liên quan đến hợp đồng vay tài sản và cách thức giải quyết khi phát sinh tranh chấp.

Khái niệm và các vấn đề liên quan đến tranh chấp hợp đồng vay tài sản

Nguyên nhân phát sinh tranh chấp hợp đồng vay tài sản thường là do bên vay không trả tiền hoặc vật đúng thời hạn, không trả lãi theo thỏa thuận trong hợp đồng cho bên cho vay.

Khái niệm và các vấn đề liên quan đến tranh chấp hợp đồng vay tài sản - luatnguyenduong.com

Quy định về hợp đồng vay tài sản

Theo quy định tại Điều 463 Bộ luật Dân sự 2015 “Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ trả lãi khi có thỏa thuận hoặc pháp luật quy định.”

Quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng

Quyền và nghĩa vụ của bên cho vay được quy định tại Điều 465 Bộ luật dân sự như sau:

  • Giao tài sản cho bên vay đầy đủ, đúng chất lượng, số lượng vào thời điểm và địa điểm đã thỏa thuận.
  • Bồi thường thiệt hại cho bên vay, nếu bên cho vay biết tài sản không bảo đảm chất lượng mà không báo cho bên vay biết, trừ trường hợp bên vay biết mà vẫn nhận tài sản đó.
  • Không được yêu cầu bên vay trả lại tài sản trước thời hạn, trừ trường hợp luật có liên quan có quy định khác.
  • Trường hợp các bên có thỏa thuận về mục đích sử dụng tài sản vay, nếu bên vay sử dụng sai mục đích thì bên cho vay có quyền đòi lại tài sản

Quyền và nghĩa vụ của bên vay được quy định tại Điều 466 Bộ luật dân sự 2015 như sau:

  • Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
  • Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.
  • Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
  • Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi.

Các loại lãi bên vay phải trả

  • Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này;
  • Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Phương thức giải quyết tranh chấp hợp đồng vay tài sản

Khi xảy ra tranh chấp hợp đồng vay tài sản các bên nên cùng thỏa thuận, thương lượng giải quyết vấn đề này trên nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, hướng đến kết quả có lợi nhất cho cả hai bên.

Phương thức giải quyết tranh chấp hợp đồng vay tài sản - luatnguyenduong.com

Trường hợp các bên không thể thống nhất được hướng giải quyết thì có thể yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp.

Căn cứ theo quy định tại Điều 5 Bộ luật tố tụng dân sự 2015

Các bên có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp.

Hợp đồng vay tài sản là hợp đồng dân sự theo quy định tại Điều 26 Bộ luật tố tụng dân sự. Căn cứ theo quy định tại Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp sẽ là Tòa án cấp huyện nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức.

Căn cứ theo quy định tại Điều 5 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 - luatnguyenduong.com

Ngoài ra, các đương sự có quyền tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức giải quyết tranh chấp.

Trên đây là các quy định có liên quan đến tranh chấp hợp đồng vay tài sản và phương thức giải quyết khi phát sinh tranh chấp hợp đồng vay tài sản. Để quyền lợi của mình được bảo vệ tối đa khi có tranh chấp phát sinh, hãy liên hệ ngay LUẬT NGUYÊN DƯƠNG, với đội ngũ luật sư có kinh nghiệm, chúng tôi sẽ đưa ra phương án tư vấn bảo vệ tốt nhất cho quý khách và doanh nghiệp.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo
0966997981