Hiện nay, tranh chấp lao động là một vấn đề rất đáng quan tâm, khi mà kinh tế xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu về kinh tế, đời sống của người dân ngày càng tăng cao; bên cạnh đó các doanh nghiệp cạnh tranh hết sức khốc liệt. Chính điều đó là mầm mống dẫn đến việc phát sinh những mâu thuẫn giữa người lao động và người sử dụng lao động. Vậy vấn đề này được quy định như thế nào, hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
I. Tranh chấp lao động là gì?
Căn cứ khoản 1 Điều 179 Bộ luật Lao động 2019 thì tranh chấp lao động là tranh chấp về quyền và nghĩa vụ, lợi ích phát sinh giữa các bên trong quá trình xác lập, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ lao động; tranh chấp giữa các tổ chức đại diện người lao động với nhau; tranh chấp phát sinh từ quan hệ có liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động.
II. Đặc điểm của tranh chấp lao động
Thứ nhất, tranh chấp lao động gắn liền với quan hệ lao động.
Tranh chấp lao động bao giờ cũng phát sinh từ các chủ thể trong quan hệ lao động. Đó là tranh chấp giữa người lao động với người sử dụng lao động hoặc tranh chấp giữa tập thể lao động đối với người sử dụng lao động. Tranh chấp lao động phát sinh từ nguyên nhân khi quyền, lợi ích được quy định trong hợp đồng lao động, trong nội quy lao động, thỏa ước lao động bị vi phạm. Tranh chấp lao động có thể xảy ra ngay cả khi không có hành vi vi phạm pháp luật.
Thứ hai, tranh chấp lao động không chỉ là những tranh chấp về quyền mà còn tranh chấp về lợi ích của các bên trong quan hệ lao động. Khi mà những thỏa thuận đạt được đến một thời gian nào đó mà một trong các bên không thực hiện hoặc không phù hợp nữa, thì tranh chấp xảy ra là điều tất yếu.
Thứ ba, tính chất, mức độ của tranh chấp phụ thuộc vào số lượng, quy mô của người tham gia. Với tranh chấp của cá nhân với bên sử dụng lao động thường không quá phức tạp. Tuy nhiên với sự tham gia của đông đảo người lao động thì việc giải quyết tranh chấp như thế nào cho ổn thỏa là rất khó. Vì khi xảy ra tranh chấp lao động tập thể, nó không chỉ làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động mà ngay cả người sử dụng lao động cũng bị ảnh hưởng.
III. Các loại tranh chấp lao động phổ biến hiện nay
– Căn cứ theo chủ thể tham gia tranh chấp lao động, tranh chấp lao động bao gồm 2 loại: Tranh chấp lao động cá nhân và tranh chấp lao động tập thể. Đây là cách phân loại phổ biến và hiện được quy định trong pháp luật hiện hành.
– Căn cứ vào đối tượng của tranh chấp lao động thì có thể chia ra thành tranh chấp về việc làm, tiền lương và thu nhập, điều kiện làm việc, quyền công đoàn, bồi thường thiệt hại, bảo hiểm xã hội, tranh chấp về hợp đồng lao động, tranh chấp về thỏa ước lao động tập thể, tranh chấp về kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất… Trong đó, tranh chấp về bảo hiểm xã hội là loại tranh chấp lao động phổ biến nhất được giải quyết tại tòa án.
IV. Tác động của tranh chấp lao động
Tác động của tranh chấp lao động còn tùy thuộc vào phạm vi xảy ra tranh chấp. Tuy nhiên hầu hết các tranh chấp lao động đều ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của bản thân, gia đình người lao động, nhiều khi còn tác động đến an ninh công cộng. Hậu quả của tranh chấp lao động là người lao động có thể bị mất việc làm, mất thu nhập để đảm bảo cuộc sống thường xuyên cho bản thân và gia đình. Người sử dụng lao động và cả người lao động sẽ phải tốn thời gian, công sức vào quá trình giải quyết tranh chấp khiến việc sản xuất kinh doanh bị gián đoạn. Đặc biệt, nếu là tranh chấp lao động tập thể xảy ra ở những doanh nghiệp thiết yếu của nền kinh tế quốc dân hoặc an ninh quốc phòng, trong một ngành hoặc một địa phương, thì còn có thể ảnh hưởng đến sự phát triển và đời sống xã hội trong cả một khu vực, thậm chí có thể ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế. Nếu không giải quyết kịp thời, những tranh chấp đó có thể ảnh hưởng tới an ninh công cộng và đời sống chính trị xã hội của quốc gia.
V. Cơ chế hình thành tranh chấp lao động
– Xuất phát từ người lao động.
Tranh chấp lao động xảy ra do các yêu cầu chính đáng và những đòi hỏi công bằng với sức lao động mà người lao động bỏ ra chưa được thoả đáng, với đúng quyền lợi mà họ được nhận. Đồng thời, trình độ văn hoá của người lao động còn rất hạn chế nên họ cũng không biết là mình có quyền và nghĩa vụ gì, từ đó dẫn đến các tranh chấp xảy ra.
– Xuất phát từ người sử dụng lao động.
Người sử dụng lao động luôn cố gắng thu càng nhiều lợi nhuận càng tốt nên họ tận dụng hết sức lao động của người lao động vượt quá giới hạn, từ đó làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, có thể nói đây là nguyên nhân cơ bản.
VI. Biện pháp giải quyết tranh chấp lao động hiệu quả nhất hiện nay
Các biện pháp giải quyết tranh chấp trong lao động gồm: thương lượng, hòa giải cơ sở, giải quyết của cá nhân, tổ chức có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động. Trong đó:
– Thương lượng là phương thức giải quyết được sử dụng rộng rãi nhất dựa trên nền tảng của sự thỏa thuận giữa chính các bên mà không phải là kết quả của một áp lực nào từ bên ngoài.
– Hòa giải là phương thức giải quyết tranh chấp có sự tham gia của bên thứ ba nhưng bên thứ ba không đưa ra phán quyết mà chỉ hỗ trợ, hướng dẫn các bên thương lượng.
– Hội đồng Trọng tài là phương thức giải quyết tranh chấp lao động thông qua sự phân tích và phán xử của bên thứ ba. Vì vậy, phương án giải quyết của trọng tài là phương án hợp pháp và hợp lý hơn là hợp tình.
– Tòa án nhìn chung là hoạt động giải quyết cuối cùng sau khi tranh chấp đã được giải quyết ở các giai đoạn khác mà không đoạt kết quả. Việc giải quyết tranh chấp lao động tại tòa án được thực hiện bởi cơ quan tài phán mang quyền lực nhà nước đặc biệt, được tiến hành theo những quy trình và thủ tục tố tụng chặt chẽ.
Tùy vào phạm vi, mức độ, tính chất của tranh chấp cũng như sự thiện chí, hợp tác của các bên, mỗi một biện pháp giải quyết tranh chấp sẽ thể hiện được tính hiệu quả của nó. Vì vậy, nên ưu tiên các biện pháp thương lượng, hòa giải trước để các bên có thể thỏa thuận với nhau, tránh gây rạn nứt quan hệ lao động cũng như tốn kém chi phí và thời gian cho việc giải quyết tranh chấp
VII. Những tranh chấp lao động cá nhân được khởi kiện ra Tòa không cần thông qua thủ tục hòa giải mà người lao động cần biết
Theo khoản 1, Điều 188 Bộ luật Lao động năm 2019 thì các trường hợp tranh chấp lao động cá nhân giữa người lao động và đơn vị sử dụng lao động được quyền yêu cầu Tòa án giải quyết mà không cần qua bước hòa giải bao gồm:
– Tranh chấp về xử lý kỷ luật lao động sa thải hoặc về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.
– Tranh chấp về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động.
– Tranh chấp giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động.
– Tranh chấp về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật.
– Tranh chấp về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
– Tranh chấp giữa người lao động thuê lại với người sử dụng lao động thuê lại.
Như vậy, nếu thuộc các trường hợp này, người lao động hoặc người sử dụng lao động có thể kiện thẳng ra Tòa theo thủ tục tố tụng dân sự mà không cần thông qua hòa giải.
VIII. Dịch vụ tư vấn giải quyết tranh chấp lao động
Hiện nay, có rất nhiều công ty luật/ văn phòng luật cung cấp dịch vụ tư vấn giải quyết tranh chấp lao động uy tín; trong đó có công ty LUẬT NGUYÊN DƯƠNG. Chúng tôi không chỉ đưa ra sự tư vấn nhiệt tình cho khách hàng về phương án giải quyết tranh chấp tốt nhất mà còn cử luật sư tham gia đàm phán hoặc tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích tốt nhất cho khách hàng. Trong trường hợp khách hàng khởi kiện ra Tòa án, chúng tôi tư vấn đầy đủ về hồ sơ, trình tự thủ tục cũng như đại diện làm việc với các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết quyền lợi cho khách hàng.